Lời giới thiệu

 Đặc ngữ Sáng Thế Ký có nghĩa là “khởi nguyên”. Sách này nói về cuộc sáng tạo vũ trụ, nguồn gốc của loài người, sự bắt đầu của tội lỗi cùng đau khổ trên thế giới, và cách Đức Chúa Trời đối xử với loài người. Sách Sáng Thế Ký có thể được chia làm hai phần chính: (1) Sự sáng tạo thế giới và lịch sử cổ đại của nhân loại. Phần này thuật lại câu chuyện về A-đam và Ê-va, Ca-in và A-bên, Nô-ê và trận đại hồng thủy, cùng sự kiện tháp Ba-bên (chương 1-11). (2) Lịch sử về tổ tiên của người Do Thái. Đầu tiên là Áp-ra-ham, người được quý trọng vì đức tin và sự vâng phục Chúa của ông. Kế tiếp là câu chuyện về người con trai Áp-ra-ham là Y-sác, cháu nội của Áp-ra-ham là Gia-cốp (còn được gọi là Y-sơ-ra-ên), và mười hai con trai Gia-cốp trở thành mười hai tộc trưởng của mười hai chi tộc Y-sơ-ra-ên. Sách đặc biệt chú trọng về cuộc đời của Giô-sép, một trong mười hai con trai Gia-cốp, và những sự kiện đã đưa Gia-cốp cùng tất cả gia đình của ông xuống sống tại Ai Cập (chương 12-50).
 Mặc dù sách Sáng Thế Ký nói về cuộc sống của con người, nhưng căn bản và trên hết sách này ký thuật về những việc Đức Chúa Trời đã làm. Sách bắt đầu với sự khẳng định rằng Đức Chúa Trời đã sáng tạo vũ trụ và kết thúc với lời hứa rằng Ngài sẽ tiếp tục quan tâm đến con người. Xuyên suốt cả sách cho thấy Đức Chúa Trời là nhân vật chính, Đấng xét xử và hình phạt những kẻ phạm tội, hướng dẫn và giúp đỡ dân của Ngài. Sách cổ này ghi lại câu chuyện đức tin của một dân tộc và giúp gìn giữ đức tin đó sống mãi.

Bố cục

Sự sáng tạo vũ trụ và loài người (1:1 – 2:25)
Sự khởi đầu của tội lỗi và đau khổ (3:1-24)
Từ A-đam đến Nô-ê (4:1 – 5:32)
Nô-ê và trận lụt lớn (6:1 – 10:32)
Tháp Ba-bên (11:1-9)
Từ Sem đến Áp-ram (11:10-32)
Các tổ phụ: Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp (12:1 – 35:29)
Dòng dõi của Ê-sau (36:1-43)
Giô-sép và các anh em của ông (37:1 – 45:28)
Dân Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập (46:1 – 50:26)