13

Luật về bệnh phong hủi

1Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se và A-rôn:
2“Khi một người thấy trên da mình sưng lên hoặc nổi mụt nhọt hoặc đốm trắng có thể biến thành bệnh phong hủi thì người ấy phải được đưa đến gặp thầy tế lễ A-rôn hoặc một trong các thầy tế lễ là con cháu A-rôn. 3Thầy tế lễ sẽ khám vết thương trên da thịt người ấy. Nếu lông chỗ vết thương đó đã chuyển sang màu trắng và nếu vết ấy lõm xuống sâu hơn mặt da, thì đó là bệnh phong hủi. Sau khi khám, thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy là ô uế. 4Nhưng nếu đốm trắng trên da thịt người ấy không lõm sâu hơn da, và nếu lông không chuyển sang màu trắng thì thầy tế lễ phải cách ly người ấy trong bảy ngày. 5Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám lại người ấy. Nếu thấy vết thương đó không ăn lan ra trên da thì thầy tế lễ phải cách ly người ấy thêm bảy ngày nữa. 6Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám lại người ấy. Nếu vết thương đó có vẻ mờ đi, không lan ra trên da, thì thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch; đó chỉ là một mụt nhọt thông thường. Người ấy phải giặt quần áo và được thanh sạch. 7Nhưng nếu sau khi đã trình diện thầy tế lễ để được tuyên bố là thanh sạch mà mụt nhọt vẫn lan ra trên da thì người ấy phải đến gặp thầy tế lễ một lần nữa. 8Thầy tế lễ sẽ khám lại, nếu mụt nhọt đó đã lan ra trên da thì thầy tế lễ phải tuyên bố người ấy là ô uế, vì đó là bệnh phong hủi.
9Khi có một người bị nhiễm bệnh phong hủi thì phải đưa người đó đến gặp thầy tế lễ. 10Thầy tế lễ sẽ khám, nếu trên da có nổi nhọt trắng làm cho lông chuyển sang màu trắng, và nếu trong nhọt có lớp thịt đỏ lồi ra 11thì đó là bệnh phong hủi kinh niên trên da thịt người ấy. Thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy là ô uế mà không cần cách ly để khám lại nữa, vì đã bị ô uế rồi. 12Còn nếu thấy triệu chứng ngoài da nguy hiểm đã phát và lan khắp cơ thể người bệnh từ đầu đến chân, chỗ nào thầy tế lễ nhìn thấy được 13thì thầy tế lễ phải khám kỹ; nếu bệnh ấy đã lan phủ khắp cơ thể thì thầy tế lễ sẽ tuyên bố người bệnh là thanh sạch, vì cả cơ thể đã chuyển thành màu trắng nên người ấy được thanh sạch. 14Nhưng khi thấy có chỗ thịt đỏ xuất hiện thì người ấy phải bị ô uế; 15thầy tế lễ phải khám kỹ và tuyên bố người ấy là ô uế, vì đó là bệnh phong hủi. 16Nhưng nếu chỗ thịt đỏ chuyển sang màu trắng thì người ấy phải đến với thầy tế lễ. 17Thầy tế lễ khám, nếu vết thương đã chuyển sang màu trắng thì phải tuyên bố người có bệnh là thanh sạch, vì người ấy đã được thanh sạch rồi.
18Nếu một người có một mụt nhọt trên da đã lành, 19nhưng tại chỗ mụt đó lại nổi một cái nhọt trắng hay một đốm đỏ tái thì phải đến cho thầy tế lễ khám. 20Nếu thấy cái đốm đó lõm sâu hơn mặt da và lông chuyển sang màu trắng thì thầy tế lễ phải tuyên bố người ấy là ô uế; đó là một vết do bệnh phong hủi đã phát ra từ mụt nhọt. 21Nhưng nếu thầy tế lễ khám mà không thấy lông trắng, chỗ đốm không lõm sâu hơn mặt da và màu nhạt đi, thì thầy tế lễ phải cho cách ly người ấy trong bảy ngày. 22Nếu thấy đốm ấy ăn lan trên da thì thầy tế lễ phải tuyên bố người ấy là ô uế, vì đó là bệnh phong hủi. 23Nhưng nếu đốm ấy vẫn ở nguyên một chỗ, không ăn lan ra, thì đó là vết sẹo của mụt nhọt; thầy tế lễ sẽ tuyên bố người đó là thanh sạch.
24Khi một người có vết bỏng trên da và vết bỏng đó trở thành một đốm đỏ tái hay trắng, 25thì thầy tế lễ sẽ khám. Nếu lông trong đốm đã chuyển thành màu trắng và lõm sâu hơn mặt da thì đó là bệnh phong hủi phát ra từ vết bỏng. Thầy tế lễ phải tuyên bố người nầy là ô uế, vì đó là bệnh phong hủi. 26Nhưng nếu thầy tế lễ khám vết bỏng mà không thấy lông trắng, không lõm sâu hơn mặt da và đã mờ đi thì thầy tế lễ cho cách ly người ấy trong bảy ngày. 27Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ khám lại người ấy, nếu đốm ấy lan ra trên da thì phải tuyên bố người ấy là ô uế, vì đó là bệnh phong hủi. 28Nhưng nếu đốm đó vẫn ở nguyên một chỗ, không lan ra trên da và đã mờ đi, thì đó là vết thương do bỏng lửa. Thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy là tinh sạch, vì đó là sẹo của vết bỏng.
29Khi một người đàn ông hay đàn bà có vết thương trên đầu hoặc nơi cằm, 30thì thầy tế lễ sẽ khám vết thương đó. Nếu nó lõm sâu hơn mặt da, lông mọc trong đó thưa và có màu hơi vàng thì thầy tế lễ phải tuyên bố người ấy là ô uế, đó là chứng ghẻ chốc, tức là bệnh phong hủi ở đầu hay ở cằm. 31Nhưng nếu thầy tế lễ khám chỗ ghẻ chốc đó mà thấy nó không lõm sâu hơn mặt da và không có lông đen mọc trong đó, thì thầy tế lễ phải cho cách ly người ấy trong bảy ngày. 32Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám, nếu chỗ ghẻ chốc đó không lan ra, không có lông hơi vàng và không lõm sâu hơn mặt da, 33thì người ấy phải cạo đầu và râu nhưng không cạo chỗ vết ghẻ chốc, rồi thầy tế lễ sẽ lại cách ly người ấy thêm bảy ngày nữa. 34Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ khám lại, nếu chỗ ghẻ chốc không lan ra trên da, không lõm sâu hơn mặt da thì thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch. Người ấy sẽ giặt quần áo và sẽ được thanh sạch. 35Nhưng nếu chỗ ghẻ chốc đó lại lan ra trên da sau khi được tuyên bố thanh sạch 36thì thầy tế lễ phải khám lại. Nếu chỗ ghẻ chốc đó đã lan ra trên da thì thầy tế lễ không cần tìm xem có lông hơi vàng hay không; người ấy đã bị ô uế rồi. 37Nhưng nếu chính mắt thầy tế lễ thấy chỗ ghẻ chốc đó vẫn như trước và có lông đen đã mọc ở đó, thì chỗ ghẻ chốc đó đã lành và người đó đã được thanh sạch. Thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch.
38Khi trên da thịt của một người đàn ông hay một người đàn bà nổi lên những đốm trắng 39thì thầy tế lễ sẽ khám. Nếu những đốm trên da thịt người nào có màu trắng đục thì đó chỉ là mụn phát ra trên da, người ấy vẫn thanh sạch.
40Khi một người bị rụng tóc, hói đầu thì người ấy vẫn thanh sạch. 41Người rụng tóc phía trước đầu là một người hói trán, người ấy vẫn thanh sạch. 42Nhưng nếu chỗ hói đầu hay hói trán có một vết trắng hồng thì đó là bệnh phong hủi phát ra từ chỗ hói đầu hay là hói trán. 43Thầy tế lễ phải khám người ấy, nếu thấy vết sưng ở chỗ hói đầu hay hói trán có màu trắng hồng, giống như bệnh phong hủi trên da thịt, 44thì người ấy bị bệnh ngoài da nguy hiểm; thầy tế lễ sẽ tuyên bố người ấy là ô uế vì vết thương trên đầu.
45Người mắc bệnh phong hủi phải mặc quần áo rách, xõa tóc, che râu lại và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ 46Ngày nào người ấy còn mắc bệnh thì còn bị ô uế và phải sống một mình bên ngoài doanh trại.”

Luật về đồ vật bị lên mốc

47“Khi quần áo bị lên mốc như vết phong hủi, dù trên quần áo bằng len hay quần áo bằng vải gai, 48trên hàng dệt, hàng đan bằng vải gai hay len, trên da hay là trên bất cứ vật gì làm bằng da, 49nếu thấy vết đó màu hơi xanh hay hơi đỏ xuất hiện trên quần áo hoặc trên da, trên hàng dệt, hàng đan hoặc trên bất cứ vật gì bằng da, thì phải coi như vết mốc và phải đem đến trình cho thầy tế lễ. 50Thầy tế lễ sẽ khám và để riêng vật đó ra trong bảy ngày. 51Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám lại, nếu vết ấy lan ra trên quần áo, trên hàng dệt, hàng đan hoặc trên đồ vật bằng da, thì đó là vết mốc lây lan; vật đó bị ô uế. 52Thầy tế lễ phải đốt quần áo, hàng dệt, hàng đan bằng len hoặc bằng gai, hoặc bất cứ vật gì bằng da đã bị mốc meo, vì đó là vết mốc dễ lây lan cần phải đốt trong lửa.
53Trái lại, nếu thầy tế lễ khám và không thấy vết mốc đó lan ra trên quần áo, trên hàng dệt, hàng đan hoặc trên các vật dụng bằng da, 54thì ông sẽ bảo họ đem giặt món đồ có vết mốc đó, rồi để riêng nó ra thêm bảy ngày nữa. 55Khi giặt rồi, thầy tế lễ sẽ khám lại, nếu vết đó không đổi màu thì dù mốc không lan ra, món đó vẫn bị ô uế; các con phải đốt trong lửa dù vết mốc ăn vào mặt phải hay mặt trái.
56Nhưng nếu sau khi giặt, vết mốc ấy mờ đi thì thầy tế lễ phải lột bỏ vết mốc ấy khỏi quần áo, đồ da hay hàng dệt, hàng đan. 57Nếu vết mốc lại xuất hiện trên quần áo, trên hàng dệt, hàng đan hoặc trên các đồ vật bằng da, thì đó là một vết mốc lây lan, cần phải đốt đi. 58Nhưng quần áo, hàng dệt, hàng đan hoặc món nào bằng da mà các con đã giặt và vết mốc đã biến mất thì phải đem giặt lần thứ hai và món đồ ấy sẽ được thanh sạch.”
59Đó là luật về vết mốc meo trên quần áo bằng len hoặc bằng vải gai, trên hàng dệt, hàng đan, hoặc trên vật gì bằng da, để căn cứ vào đó mà tuyên bố vật ấy là thanh sạch hay ô uế.